Tai biến mạch máu não là hiện tượng não không được cung cấp đủ máu dẫn đến thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Nếu trong vòng vài phút, máu não không được lưu thông sẽ khiến tế bào não chết. Vùng não bị tổn thương càng rộng, mức độ tổn thương càng nặng thì di chứng để lại sẽ càng nhiều, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Tai biến mạch máu não có hai loại là xuất huyết não và nhồi máu não. Trường hợp tai biến xuất huyết não cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong thời gian tính bằng phút, còn trường hợp tai biến nhồi máu não có thể cấp cứu trong vòng 4 - 5 tiếng sau khi xuất hiện tai biến, nhưng nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, cấp cứu càng sớm càng giảm thiểu được khả năng di chứng ảnh hưởng.
Số người tử vong do tai biến mạch máu não ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Đây là nguyên nhân lớn nhất gây tàn phế, liệt và nằm trong top 3 nguyên nhân gây tử vong lớn nhất thế giới.
2. Dấu hiệu tai biến mạch máu não
2.1. Khuôn mặt buồn rầu, mặt bị méo một bên
Dấu hiệu tai biến thể hiện trên khuôn mặt của bệnh nhân trước khi tai biến diễn ra. Lượng oxy trong máu cung cấp cho não bộ giảm dần đã gây tổn thương thần kinh tác động đến cơ mặt. Khuôn mặt người bệnh trở nên buồn rầu, một phần hoặc một nửa khuôn mặt bị tê liệt, không cử động được.
Nếu nghi ngờ bệnh nhân sắp bị đột quỵ hãy yêu cầu bệnh nhân cười, nếu thấy nụ cười bị lõm một phần, một bên mặt xệ xuống thì đó là dấu hiệu tai biến.
2.2. Khả năng cử động của cánh tay giảm dần
Lượng máu lên não không đủ khiến khả năng vận động bị thuyên giảm, đặc biệt là cánh tay. Người bệnh sẽ cảm thấy cánh tay tê dại, cử động khó rồi dần dần không thể cử động được. Dấu hiệu tai biến ở cánh tay dễ phát hiện nhất khi bạn yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên cao, một bên tay sẽ không thể giơ lên được hoặc rũ thõng xuống.
2.3. Thị lực giảm dần
Thị lực giảm dần là dấu hiệu tai biến mà người ngoài khó có thể phát hiện được. Vì thế người bệnh cần chủ động ghi nhớ dấu hiệu tai biến này và báo ngay cho người nhà khi có sự khác thường. Nguyên nhân là thùy não bộ chịu trách nhiệm về khả năng nhìn không được cung cấp đủ oxy, hoạt động của thùy não bộ giảm dần khiến thị lực bị ảnh hưởng. Người bệnh sẽ thấy mọi thứ nhòe đi, mờ dần.
2.4. Nói lắp
Trước khi xảy ra tai biến sẽ xuất hiện những cục máu đông cản trở quá trình lưu thông máu cho một phần của não bộ điều khiển việc giao tiếp và khả năng nói. Vì thế người bệnh sẽ có dấu hiệu nói lắp, không nói được câu dài, nói không rõ lời, nói khó hiểu.
2.5. Một phần cơ thể yếu đi, không cử động được
Sau khi bị tê liệt một cánh tay, người bệnh có thể bị tê liệt một phần cơ thể, thậm chí là nửa người. Một số bộ phận cử động khó hoặc dù đã cố điều khiển nhưng không cử động được. Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm, có thể dẫn đến liệt mãi mãi nếu không được uống thuốc hay đưa đến bệnh viện kịp thời.
2.6. Hoa mắt, chóng mặt
Hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng là biểu hiện của việc thiếu máu não. Đây là dấu hiệu tai biến rất phổ biến, xảy ra ở hầu hết các trường hợp.
2.7. Dáng đi bất thường
Dấu hiệu tai biến tiếp theo mà bệnh nhân có thể gặp phải là không thể đi lại hoặc đi lại rất khó. Nếu trước đó bệnh nhân vẫn đi lại bình thường thì chắc chắn lượng máu lên não đang giảm nhanh chóng. Còn nếu bệnh nhân đã gặp khó khăn trong việc di chuyển từ trước thì cần theo dõi thật kỹ xem có phải mức độ ảnh hưởng đang tăng dần không.
2.8. Đau đầu
Thiếu oxy lên não sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau đầu dữ đội, đau theo cơn. Thậm chí có bệnh nhân còn có cảm giác muốn nổ tung đầu. Mức độ đau càng ngày càng khốc liệt hơn. Nếu gặp dấu hiệu này cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay, nếu không sẽ có khả năng dẫn đến biến chứng chết não.
2.9. Nấc cục
Một trong những cảnh báo trước của bệnh tai biến mà ít người phát hiện ra đó chính là nấc cục. Nhiều người đột nhiên bị nấc cho rằng đó chỉ là những đợt nấc thông thường, dẫn đến chủ quan. Hiện tượng này thường gặp ở phụ nữ.
2.10. Khó thở
Bệnh nhân có thể thấy khó thở, thở hổn hển, tim đập nhanh.Mỗi người có thể có một vài dấu hiệu tai biến trên, tùy từng vùng não bị ảnh hưởng do thiếu oxy. Những dấu hiệu trên diễn ra trong thời gian rất nhanh và có thể biến mất hoàn toàn sau đó khiến người bệnh không để ý hoặc cho rằng cơ thể mình đã ổn. Tuy nhiên, đó gọi là tình trạng “tai biến mạch máu não thoảng qua”, là “đám mây đen” cảnh báo cho “cơn mưa giông” tai biến sắp xảy đến.
3. Cách xử lý khi có dấu hiệu tai biến
Khi nhận thấy 2 hoặc 3 triệu chứng kể trên thì gần như có thể chắc chắn đó là dấu hiệu tai biến. Bạn cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bởi khi tai biến xảy ra thì thời gian có thể cứu được bệnh nhân chỉ được tính bằng phút.
Một vài cách sơ cứu bệnh nhân tai biến trong thời gian đợi xe cấp cứu:
Quan sát các biểu hiện của bệnh nhân để cung cấp thông tin cho nhân viên y tế khi họ tới. Việc này sẽ giúp ích cho quá trình điều trị cấp cứu.
Để bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, đầu kê cao khoảng 30 độ
Nới lỏng quần áo
Nhắc nhở bệnh nhân hít thở sâu và chậm rãi
Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu bệnh nhân nghiêng sang một bên, tránh để các chất nôn sộc lên mũi bệnh nhân gây khó thở.
Trường hợp bệnh nhân co giật cần lấy khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay một thanh que dài đặt ngang giữa hai hàm răng của bệnh nhân để bệnh nhân không cắn vào lưỡi trong quá trình bị co giật.
Mục tiêu xử lý khi bị tai biến là tái thông mạch máu càng sớm càng tốt: Bằng liệu pháp tan cục máu đông (rTPA) cho những bệnh nhân đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4.5 giờ sau khi bị tai biến mạch máu não) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới 6 giờ sau khi bị tai biến mạch máu não). Năm 2018 Hiệp hội Đột quỵ Mỹ (ASA) khuyến cáo có thể thực hiện phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học ở một số bệnh nhân bị tắc mạch máu lớn trong não đến bệnh viện với thời gian muộn hơn, cụ thể là từ 6-16 giờ hoặc 16-24 giờ với một số tiêu chuẩn riêng, trong đó có tiêu chuẩn bắt buộc là lõi nhồi máu dưới 50-70ml, được đánh giá qua chụp Ctscan tưới máu não (CTP) mà chỉ có thể thực hiện được ở các thế hệ máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy như CT 640 và phần mềm chuyên dụng, đã có một số bệnh viện trang bị thế hệ máy này, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà nẵng.
Các mục tiêu tiếp theo là hạn chế biến chứng, tìm kiếm nguyên nhân tai biến mạch máu não để dự phòng tai biến mạch não tái phát và phục hồi thần kinh bằng các bài tập phục hồi chức năng.
Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, việc tầm soát sớm đột quỵ là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).
Mỗi khách hàng đến với Cơ Xương Khớp THIỆN NHÂN là một tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu khác nhau nhưng tất cả đều có chung một nguyện vọng có được Thân Khoẻ - Tâm An. Thấu hiểu được điều đó, THIỆN NHÂN mong muốn trở thành người đồng hành trên chặng đường khôi phục sức khoẻ bằng các phương pháp không dùng thuốc.